Ngày 20/9/2022 tại Hà Nội, nhằm đồng hành với Chương trình hành động quốc gia về kháng kháng sinh, cũng như đánh giá thực trạng quản lý việc sử dụng kháng sinh trong y tế, Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) đã tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Kháng kháng sinh: cơ hội và thách thức”.
Hội thảo thu hút hơn 70 đại biểu cấp cao tham dự, bao gồm các nhà quản lý từ Bộ Y Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bác sĩ, dược sĩ từ các bệnh viện tại địa bàn thành phố như Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương; các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu và trường đại học như Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y tế Công cộng; các tổ chức phi Chính phủ và tư nhân hoạt động trong lĩnh vực kháng kháng sinh.
Quang cảnh hội thảo
Hội thảo có ý nghĩa quan trọng khi mức độ kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng và gây áp lực lớn lên sức khoẻ cộng đồng. Ngoài gánh nặng tài chính do việc điều trị kéo dài, chúng ta còn phải đối mặt với khả năng của một tương lai không có thuốc kháng sinh điều trị hiệu quả đối với một số bệnh nhiễm khuẩn, nhất là đối với các phẫu thuật và điều trị như hóa trị liệu ung thư và cấy ghép mô.
Kháng kháng sinh là một mối nguy cơ ảnh hưởng tới toàn thế giới do các hoạt động lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích, do quá trình lây lan và truyền kháng, do việc nhiễm trùng, hoặc ô nhiễm môi trường gây ra. Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở y tế đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh, đặc biệt ở nhóm cephalosporin thế hệ 3, 4 và nhóm aminosid và fluoroquinolon.
Các diễn giả tham gia thảo luận chung tại hội thảo
Từ năm 2013, Bộ Y tế kết hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra Chương trình hành động quốc gia về kháng kháng sinh nhằm kêu gọi đội ngũ nhân viên y tế và thú y hành động can thiệp vào quá trình kháng thuốc. Chương trình đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia, bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng, tăng cường sử dụng thuốc an toàn, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi.
TS.BS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, TS.BS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các quốc gia cùng chung tay phòng, chống kháng kháng sinh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới, từ năm 2013, Bộ Y tế kết hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã đưa ra Chương trình hành động quốc gia về kKháng kháng sinh nhằm kêu gọi đội ngũ nhân viên y tế và thú y hành động nhằm giảm tình trạng kháng kháng sinh.
Chương trình đưa ra các hoạt động cụ thể nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và cán bộ y tế về kháng thuốc, hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia, bảo đảm cung ứng thuốc có chất lượng, tăng cường sử dụng thuốc an toàn, kiểm soát nhiễm khuẩn, sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn trong trồng trọt và chăn nuôi.
Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện”, với 6 mục đích là: 1. Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhiễm trùng; 2. Đảm bảo an toàn, giảm thiểu các biến cố bất lợi cho người bệnh; 3. Giảm khả năng xuất hiện đề kháng của vi sinh vật gây bệnh; 4. Giảm chi phí nhưng không ảnh hưởng tới chất lượng điều trị; 5. Thúc đẩy chính sách sử dụng kháng sinh hợp lý, an toàn.
Với hàng loạt các chính sách quyết liệt và đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, việc hạn chế tình trạng kháng kháng sinh trong bệnh viện và cộng đồng đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại vấn nạn kháng kháng sinh vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự hành động quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn từ các cấp quản lý, cán bộ y tế và thú y, cũng như sự tự nhận thức từ phía người dân.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra những khuyến nghị giảm thiểu gánh nặng do kháng kháng sinh mang lại, bao gồm: Tăng cường công tác giám sát và quản lý thuốc trên thị trường; Chú trọng công tác đào tạo sinh viên tại các trường đại học thuộc hệ thống Y, Dược; Nâng cao vai trò của cơ quan truyền thông và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về kháng kháng sinh./.
(Theo: Tuổi Trẻ)